Truyện ngắn Mùa Lạc của nhà văn Nguyễn Khải là bức tranh về sự hồi sinh sau chiến tranh, quá trình tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Thông qua hai nhân vật Đào và Huân tác giả đã khắc họa một cách rõ nét những khó khăn, gian khổ sau chiến tranh. Nhưng sau tất cả mọi thứ đã được hồi sinh, mùa hạnh phúc đã ngập tràn trên mảnh đất Điện Biên thân yêu.
Nội dung bài viết
Đôi nét về tác giả Nguyễn Khải
Nhà văn Nguyễn Khải được biết đến là một cây bút sâu sắc với những tác phẩm khiến trái tim của độc giả thổn thức khôn nguôi. Ông chính là một trong những gương mặt nổi bật sau cách mạng tháng Tám 1945.
Nguyễn Khải có thể sáng tác truyện ngắn, ký sự, kịch, tiểu thuyết. Chủ đề sáng tác của ông xoay quanh về cuộc sống mới sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, hình ảnh bộ đội trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ và những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi…
Ông là một nhà văn có phong cách sáng tác riêng biệt và độc đáo. Những tác phẩm của ông có giá trị về mặt tư tưởng sâu sắc. Một nhà văn với những góc nhìn đa chiều, những trăn trở mang tính thời sự. Đọc những sáng tác của ông người ta hiểu rõ hơn về lẽ sống, về ứng xử và lý tưởng cao cả.
Một số tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến như: Mùa xuân ở Chương-Mỹ; Người con gái quang vinh, Mùa lạc, Họ sống và chiến đấu…
Ông cũng đã đạt được một số giải thưởng cao quý như giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, giải thưởng văn học Đông Nam Á, giải thưởng văn nghệ Việt Nam…
Mùa Lạc với những ý nghĩa nhân sinh
Nội dung tác phẩm
Mùa Lạc được sáng tác năm 1960 viết về thời kỳ toàn miền Bắc đang trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, toàn dân miền Bắc một lòng trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam thân yêu. Trong quá trình kiến thiết đất nước, đã có những con người tự nguyện rời quê hương để khai hoang, gieo trồng mầm xanh trên những mảnh đất khô cằn.
Nội dung truyện ngắn xoay quanh hai nhân vật là Đào và Huân. Mỗi nhân vật đại diện cho hai tầng lớp khác nhau. Đào là người phụ nữ đã đến độ tuổi người ta gọi là góa bụa. Gia đình không còn một ai, tuổi xuân thì đã đi qua, một mình tha hương nơi nông trường. Nông trường Điện Biên là nơi Đào muốn dừng chân sau những năm tháng lang bạt.
Ban đầu trong Đào nổi lên sự hờn giận với tất cả mọi điều xung quanh. Đào ghen tị với mọi người, Đào thương cho số phận mình sao đắng cay đến thế. Ấy vậy mà nhịp sống nơi nông trường, mối quan hệ giữa những người được gọi là “đồng bào” đã khiến cô dần thay đổi. Cô xem nông trường Điện Biên như ngôi nhà thứ hai của mình. Nếu nói cô là một mảnh đất cằn cỗi nay đã được tưới nước để trở nên tơi xốp hơn quả thật không sai.
Còn Huân một người chiến sĩ đã có những năm tháng chiến đấu oai hùng tại chiến trường Điện Biên. Những hậu quả nặng nề mà chiến tranh đã để lại trên cơ thể anh vẫn vẹn nguyên. Nhưng với tinh thần của một người lính cụ Hồ anh lại tiếp tục đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, tham gia vào quá trình tăng gia sản xuất. Cũng chính nơi này những vết thương trên cơ thể anh được xoa dịu và cơ hội hạnh phúc được mở ra.
Ai cũng có quyền được sống một cuộc sống hạnh phúc
Hai nhân vật Đào và Huân đều mang những nỗi khổ riêng nhưng điểm chung của họ là nghị lực vượt qua nghịch cảnh, vượt qua những rào cản hướng về ánh sáng, để nắm lấy hạnh phúc của riêng mình.
“Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…”
Điện Biên – vùng đất đã phải gánh chịu sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh. Từ nơi chỉ toàn vỏ đạn, hố bom, thép gai nay đã là những hình ảnh xanh mướt của lương thực, của sự sống mới. Một sự hồi sinh ngoạn mục đã xoa dịu phần nào những mất mát đau thương của dân tộc.
Hình ảnh quân và dân hăng say thu hoạch lạc trên nông trường Điện Biên là một hình ảnh thật đẹp. Điều đó đã chứng minh quyền được sống quyền được mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người. Quân xâm lược sẽ không thể nào phá bỏ đi được khát khao được sống, được cống hiến và tận hưởng của mỗi con người Việt Nam.
Kết
Mùa Lạc đã cho người đọc thấy rõ cuộc sống mới đã giúp số phận của những con người bất hạnh được hồi sinh. Thông qua tác phẩm độc giả sẽ hiểu rõ hơn về cuộc sống sau chiến tranh vất vả như thế nào, những con người chịu nhiều gian khổ đã chiến đấu ra sao. Một thông điệp vô cùng ý nghĩa cũng được đúc kết ra từ tác phẩm. Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường, niềm tin sẽ dẫn lối con người đến với cái kết có hậu nhất.
Xem thêm những bài viết hay và ý nghĩa tại tusachtritue.com